Suy ngẫm

 Về việc học toán để làm gì
-Lê Minh An-

Ghi vội một bài về việc này! Ý kiến chủ quan và chắc chắn còn chưa toàn diện, sẽ bổ sung thêm!

Thứ nhất, theo mình toàn bộ kiến thức học ở phổ thông ở tất cả các môn học chưa thể có ứng dụng gì ngay vào thực tế được cả kể cả lý hóa hay sinh là những môn học nghe có vẻ rất thực tế. Cho nên không nên quá mất công vào việc giải thích ứng dụng của toán làm gì cả. (Nó là hiển nhiên cả thế giới công nhận rồi, nhưng vì với kiến thức còn chưa nhiều nên các em hs thường chỉ nghĩ “ứng dụng = làm thành thứ gì đó có thể cầm, nắm, nhìn”, hoặc thô thiển hơn là có thể dùng nó để làm ra TIỀN luôn (không tính chuyện dạy toán)).

Vậy học toán ở phổ thông để làm gì? Theo mình cái quan trọng nhất là để phát triển tư duy cho học sinh (đó là vai trò của hầu hết các môn học ở phổ thông).

Khi giải toán học sinh luôn phải trả lời hàng loạt các câu hỏi dạng như  “Mình đã có những gì? Từ đó suy ra được những điều gì? Mình phải làm gì? Để giải quyết được nó mình cần gì?” Và móc nối tất cả các sự kiện với nhau để giải quyết. Khi gặp bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống, đều phải trả lời các câu hỏi này. Do đó, học toán để rèn luyện tư duy là như thế!

Vậy tại sao phải học nhiều môn học chỉ để rèn tư duy? Tại sao không để học sinh lựa chọn một môn thôi?

Trả lời câu hỏi này xin được nói sang lĩnh vực khác một chút, đó là thể thao! Để rèn luyện sức khỏe có phải bạn chỉ cần một môn thể thao? Và để giỏi ở một môn nào đó phải chăng chỉ cần luyện tập một môn đó? Và bạn có chắc là bạn lựa chọn đúng môn mình giỏi (hoặc phù hợp) trong khi bạn chưa tập môn nào cả? Câu trả lời là không!

Ví dụ, tại sao các cầu thủ bóng đá lại phải tập thể lực, chỉ đá bóng bằng chân thôi mà, tại sao lại tập cả… tay (tập tạ)? Nếu không có khả năng chạy (môn điền kinh) tốt thì sao C.Ronaldo hay G.Bale có thể có những siêu phẩm trong bóng đá?

Vậy cờ vua thì có cần luyện tập những môn thể thao khác không? Có, tập các môn khác không phải để trở thành chuyên gia trong môn đó mà vì cờ vua không thể cho em sức khỏe được nên em phải tập các môn thể thao các để rèn sức khỏe, có sức khỏe thì em mới chơi cờ vua được!

Những câu hỏi trên trong một lĩnh vực dễ hình dung hơn chắc chắn các em học sinh sẽ dễ dàng trả lời hơn!

Và tương ứng với nó các em sẽ trả lời được các câu hỏi về môn toán, các em phải học nhiều môn thứ nhất để  chúng hỗ trợ cho nhau  (chẳng có ai học lý mà không cần học toán cả), thứ hai để các em có thể lựa chọn cho mình lĩnh vực phù hợp nhất trong tương lai (Em không thể lựa chọn nếu như  em chưa tiếp xúc với bất kì một lĩnh vực nào, hoặc chỉ một lĩnh vực). Vậy em lựa chọn làm ca sĩ thì tại sao lại phải học ba cái môn Toán lý hóa? Cũng như em lựa chọn cờ vua tại sao vẫn phải tập các môn khác vậy! Em học các môn khác để rèn luyện tư duy, khả năng giải quyết vấn đề. Điều này quan trọng kể cả em là nông dân đi chăng nữa!

Vậy học toán tốt, tư duy toán tốt thì sẽ tư duy tốt ở mọi chuyện trong cuộc sống? Câu trả lời là không! Cũng như em tập tạ tốt, em có sức khỏe nhưng cũng sẽ không thể giỏi bóng đá, hay giỏi cầu lông nếu như em không luyện tập các môn đó, nhưng nếu em có thể lực tốt thì đó là cơ sở cực tốt để em có thể giỏi các môn đó!

Cũng như em học giỏi toán nhưng cứ suốt ngày ru rú trong phòng không giao lưu với bạn bè, không tham gia các hoạt động xã hội thì sẽ rất khó để em có thể thành công! (Mà thực ra em không giao lưu thì em cũng rất khó có thể giỏi môn toán, chứ đừng nói những lĩnh vực khác!)

Nhưng khi có tư duy tốt thì sẽ thuật lợi hơn nhiều khi học hỏi bất cứ thứ gì!

Vậy học toán chỉ mỗi rèn tư duy? Tất nhiên là không rồi, nếu em học giỏi toán và yêu thích toán em sẽ tự tìm hiểu và thấy rằng môn toán rất rất quan trọng! Hoặc nếu cần ngay thì cứ  google để biết thêm chi tiết thôi 😀

Còn với các bạn yêu toán thì không cần nói nhiều rồi! Việc giải được một bài toán khó (đối với người giải) thì nó sung sướng tựa như vừa chinh phục được một ngọn núi cao hay người đẹp trong mộng vậy! 😀

Nhiêu đó, có lẽ chưa thể thỏa mãn được tất cả  nhưng có lẽ sẽ giúp mọi người dễ hình dung hơn một chút về việc học toán chăng!

P/s: Hiểu được vai trò môn toán trong trường phổ thông là một điều quan trọng để định hướng cách dạy của giáo viên toán! (Không như cách dạy của một số giáo viên hiện nay!)
——-Hết——–

 



Tôi cần một bộ óc thông minh chứ không phải một bộ óc đầy chữ
-Sưu tầm Facebook-

Bố chuyên toán hỏi con trai 9 tuổi:

– Này con, 10 nhân 10 là bao nhiêu?

Con:

– Dạ con không biết ạ.

Bố:

– Con nhà nòi mà sao ngu thế, mày có biết học sinh VN đứng thứ 17 thế giới về toán không?

Con:

– Thế bây giờ con hỏi bố nhé, nếu bố thấy trên đường tờ 100 ngàn và 500 ngàn bố sẽ nhặt tờ nào?

Bố:

– Ừ thì tao sẽ nhặt tờ 500 ngàn tất nhiên rồi!

Con:

– Thật là khờ, bố có thể nhặt cả hai cơ mà . Bố chỉ được cái là giải toán đúng quy trình thôi!



SAO KHÔNG VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI MÔN CHẠY?
-GS.TSKH Hà Huy Khoái-

Trước đây mình có thắc mắc như thế về thể thao Việt Nam. Tại sao: vì thấy người Việt thích chạy nhất thế giới.
– Khi còn trong bụng mẹ: CHẠY cho được để vào nhà hộ sinh VIP, CHẠY để được bác sỹ giỏi mổ vào giờ đẹp (đặng Trời cho có số may mắn).
– Ra khỏi bụng mẹ ít năm, CHẠY để vào được nhà mẫu giáo “điểm”
– “Tốt nghiệp mẫu giáo”: CHẠY vào trường “siêu tốt, siêu đắt” (học phí 10 triệu/tháng)
– Tốt nghiệp ĐẠI HỌC: chạy cho được việc làm “ngon”.
– Ốm đau: CHẠY bệnh viện, CHẠY bác sĩ…
– Nhắm mắt xuôi tay: CHẠY để được vào nghĩa trang này, nghĩa trang nọ

CHẠY, CHẠY CHẠY,…từ khi còn là cái trứng bé xíu cho đến khi thành cát bụi bé xíu.
Nay thì phần nào đã hiểu tại sao người Việt chạy nhiều thế mà khi thi chạy với thế giới thì vẫn kém. Ngẫm ra trong “quá trình chạy”, người Việt ít khi tự chạy. Khi thì bố mẹ chạy cho mình (chạy học, chạy hành, chạy việc), khi thì con cháu chạy cho mình (chạy mồ, chạy mả).
Mỗi người đều chạy cho người khác, không phải cho mình.
Hình như trong những việc khác, người Việt ta cũng có cái đức như thế: sẵn sàng hy sinh cho thiên hạ, nhưng khi đến việc của chính mình thì lại cứ mong có ai đó CHẠY giúp!
Thế thì làm sao vô địch được. Trong mọi cuộc thi.

Leave a comment